Hướng dẫn đánh giá tính bền vững của một sản phẩm thương mại
Tài liệu kỹ thuật số 70
Tóm tắt nội dung
Khi ngày càng có nhiều công ty và người tiêu dùng tìm cách giảm và báo cáo về dấu ấn môi trường (environmental footprint) của doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng dần phải đáp ứng các yêu cầu cho Khách hàng bằng các chứng thực về mức độ bền vững của sản phẩm với môi trường. Việc đánh giá tính bền vững về môi trường của một sản phẩm rất phức tạp và khó có thể xác định chắc chắn các tuyên bố nếu không đủ thông tin về các giả định và cơ sở tiêu chuẩn mà chúng được đưa ra. Hướng dẫn này giải thích các tiêu chuẩn quốc tế về nhãn và công bố môi trường, giúp đánh giá sản phẩm. Sau đó chúng tôi đề cập đến cách đọc tài liệu công bố môi trường của sản phẩm giúp định lượng hiệu suất phát triển bền vững của sản phẩm. Cuối cùng, chúng tôi cung cấp hướng dẫn đánh giá chính xác về tính bền vững môi trường của các sản phẩm tương tự, giúp bạn tin tưởng rằng quyết định mua hàng của bạn trên thực tế đang làm giảm dấu ấn môi trường (environmental footprint) của tổ chức bạn.
Giới thiệu
Các lãnh đạo doanh nghiệp, các phòng ban phát triển bền vững và các bộ phận thu mua đang nỗ lực cải thiện và báo cáo về tính bền vững môi trường của doanh nghiệp họ. Các sản phẩm và dịch vụ mà một công ty sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu bền vững cho môi trường của công ty xét về phát thải CO2e ở Phạm vi 1, 2 và 3. Do đó, các nhà sản xuất đang có các hành động đáp ứng bằng các sản phẩm bền vững với môi trường. Việc đánh giá tính bền vững về môi trường của một sản phẩm rất phức tạp và khó có thể xác định chắc chắn các tuyên bố nếu không biết các giả định và tiêu chuẩn cơ bản mà chúng được đưa ra. Điều này đã dẫn đến những quảng cáo và tuyên bố đáng ngờ về các sản phẩm “xanh” được gọi là “tẩy xanh”, như được minh họa thêm trong Hình 1. Thật không may, cách làm này có thể làm suy yếu lòng tin của người ra quyết định rằng sản phẩm họ mua trên thực tế đang làm giảm dấu ấn môi trường của họ (xem ghi chú cuối bài từ 1 đến 4).. Mặc dù còn có các tác động khác đến môi trường như việc sử dụng nước và góp phần vào sự cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, tài liệu hướng dẫn này tập trung chủ yếu vào lượng khí thải các-bon như một phương tiện đánh giá tính bền vững về môi trường của một sản phẩm. Các loại sản phẩm khác nhau được đánh giá khác nhau về mặt này, do đó, tài liệu hướng dẫn này liên quan cụ thể đến các sản phẩm thiết bị điện và điện tử (EEE) và các sản phẩm sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC).
Cũng trong tài liệu hướng dẫn này, chúng tôi mô tả các tiêu chuẩn quốc tế về nhãn và công bố môi trường của sản phẩm, giúp việc đánh giá sản phẩm dễ dàng hơn. Sau đó chúng tôi giải thích cách đọc tài liệu công bố môi trường của sản phẩm giúp định lượng hiệu suất phát triển bền vững của sản phẩm. Cuối cùng, chúng tôi cung cấp hướng dẫn đánh giá chính xác về tính bền vững môi trường của các sản phẩm tương tự, giúp bạn tin tưởng rằng quyết định mua hàng của doanh nghiệp bạn đang thực sự góp phần giảm dấu ấn môi trường.
Những tiêu chuẩn hỗ trợ đánh giá sản phẩm
Các nhà sản xuất sản phẩm có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến dấu ấn môi trường của sản phẩm. Có nhiều cách khác nhau mà nhà sản xuất có thể cải thiện dấu ấn môi trường của sản phẩm trong suốt và hết vòng đời sản phẩm. Ví dụ, một nhà sản xuất có thể mua năng lượng tái tạo để vận hành các nhà máy của mình, thiết kế sản phẩm sử dụng ít nhựa và kim loại hơn, sử dụng các thành phần nhỏ hơn và hiệu quả hơn như bán dẫn có băng cách rộng, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, đưa ra các chương trình thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng và nhiều hoạt động khác. Câu hỏi sẽ là: làm thế nào để ai đó đánh giá và xác nhận rằng một sản phẩm bền vững với môi trường hơn những sản phẩm khác? Câu trả lời nằm ở thông tin nhãn môi trường và các công bố môi trường cũng như các tiêu chuẩn cơ bản được công nhận trên toàn cầu.
Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) là một trong những tổ chức tiêu chuẩn được công nhận trên thế giới. Trong ngành sản xuất, tổ chức này nổi tiếng với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000. Tương tự, trong cộng đồng môi trường, tổ chức này được biết đến với các tiêu chuẩn môi trường ISO 14000. Các tiêu chuẩn này cung cấp cơ sở để hiểu các nhãn bền vững về môi trường mà một nhà sản xuất áp dụng cho sản phẩm của mình. Trong tài liệu này, chúng tôi mô tả ba loại nhãn liên quan:
-
Nhãn loại I được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14024:2018 Nhãn và công bố môi trường – Nhãn môi trường loại I – Nguyên tắc và quy trình. Các nhãn này thông báo rằng một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể đáp ứng hoặc vượt các tiêu chí môi trường cụ thể và định lượng do các tổ chức bên thứ ba độc lập đặt ra. Do đó, nhãn chứng nhận loại I yêu cầu xác minh của bên thứ ba, điều này giúp nó trở thành một minh chứng đáng tin cậy và hữu ích để "rút gọn" danh sách các sản phẩm hoặc dịch vụ tiềm năng. Tuy nhiên, việc đạt được những nhãn chứng nhận này có thể gây tốn kém cho các nhà cung cấp, đặc biệt nếu họ có nhiều sản phẩm thuộc các danh mục khác nhau. Điều này giúp giải thích tại sao ít sản phẩm có nhãn chứng nhận Loại I. Một số ví dụ về nhãn chứng nhận Loại I được trình bày trong Hình 2.
Trong trường hợp của Energy Star, nhãn này xác minh mức độ hiệu quả của các loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ, nếu một người nào đó đang tìm kiếm một bộ lưu điện (UPS) hiệu quả, họ có thể sử dụng công cụ tìm sản phẩm của Energy Star để tìm kiếm UPS tốt nhất trong trong một danh sách dòng sản phẩm liên quan. Mặc dù nhãn chứng nhận Loại I cung cấp cách thức thuận tiện và hợp lệ để so sánh các thuộc tính sản phẩm nhất định, như mức độ hiệu quả, nhưng chúng không đánh giá dựa trên vòng đời sản phẩm (LCA).
Hình 2 - Ví dụ về các nhãn chứng nhận loại I
-
Nhãn chứng nhận loại II được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14021: 2016 Nhãn và công bố môi trường - các tuyên bố môi trường tự công bố (Ghi nhãn môi trường loại II). Giống như nhãn Loại I, nhãn này cho biết rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng hoặc vượt các tiêu chí môi trường cụ thể và định lượng. Tuy nhiên, đúng như tiêu đề, những nhãn này là nhãn tự công bố, có nghĩa là nhà sản xuất sản phẩm có thể áp dụng bất kỳ tuyên bố nào họ muốn mà không cần xác minh của bên thứ ba. Đáng tiếc, các nhà sản xuất kém uy tín đã lợi dụng điều này và đưa ra những tuyên bố sai lệch trên nhãn Loại II của họ. Do đó, bạn cần thẩm định nếu muốn sử dụng nhãn Loại II trong đánh giá của mình. Điều quan trọng là nhà sản xuất phải đưa ra các tài liệu cơ bản của chương trình ghi nhãn mác của họ cùng với dữ liệu. Theo ISO 14021, “Phương pháp đánh giá được những người đưa ra tuyên bố về môi trường sử dụng phải rõ ràng, minh bạch, có cơ sở khoa học và được lập thành văn bản”. Ngoài ra, nhà sản xuất phải có sẵn dữ liệu để chứng minh cho tuyên bố. Nhãn không được ngụ ý rằng sản phẩm được chứng nhận hoặc xác nhận bởi bên thứ ba. Ví dụ về một nhãn loại II sẽ được thể hiện trong hình 3.
Hình 3 - Ví dụ về nhãn loại II
-
Nhãn loại III chịu sự quản lý theo tiêu chuẩn ISO là ISO 14.025 Nhãn và công bố môi trường – nguyên tắc và quy trình (Công bố môi trường loại III). Nói một cách đơn giản, bản công bố sản phẩm môi trường (EPD) là một tài liệu tóm tắt dữ liệu về vòng đời môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ và thường có giá trị trong 5 năm. EPD giúp các nhà chuyên môn đưa ra các quyết định về sản phẩm dựa trên tính bền vững về môi trường của sản phẩm đó. Điều này tương tự như nhãn thông tin dinh dưỡng mà bạn thấy trên các sản phẩm thực phẩm giúp chúng ta quyết định nên mua thực phẩm nào. Lý do chính khiến nhãn thực phẩm giúp người mua hàng so sánh các loại thực phẩm tương tự là vì nhãn (ở các quốc gia tương ứng) đã được tiêu chuẩn hóa. Tương tự, EPD giúp các nhà chuyên môn dễ dàng so sánh sản phẩm trong cùng danh mục, như máy cắt điện. Tiêu chuẩn ISO 14025 “thiết lập các nguyên tắc và quy định các thủ tục phát triển chương trình Công bố môi trường Loại III và Công bố môi trường Loại III”.
EPD phải dựa trên dữ liệu LCA hoặc dữ liệu phân tích tồn kho trong vòng đời, bản thân chúng chịu sự quản lý của tiêu chuẩn ISO 14040. Điều quan trọng cần lưu ý là ISO 14040 mang tính chung chung và áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm và dịch vụ, do đó, tiêu chuẩn này không hữu ích lắm cho một danh mục sản phẩm cụ thể. Các tổ chức đã lấp đầy khoảng trống này bằng cách quản lý các chương trình theo tiêu chuẩn ISO 14025 để các EPD báo cáo cùng một loại thông tin.
Theo tiêu chuẩn ISO 14020, người điều hành chương trình có thể là "một công ty hoặc một nhóm các công ty, một lĩnh vực công nghiệp hoặc hiệp hội thương mại, các tổ chức hoặc cơ quan công quyền, hoặc một cơ quan khoa học độc lập hoặc tổ chức khác." Nhà điều hành chương trình phát triển, phê duyệt và công bố các quy tắc danh mục sản phẩm (PCR) và các quy tắc cụ thể về sản phẩm (PSR) (xem ghi chú 5 cuối bài). PCR là một "tập hợp các quy tắc, yêu cầu và hướng dẫn cụ thể để phát triển công bố môi trường Loại III cho một hoặc nhiều loại sản phẩm" (xem ghi chú 6 cuối bài). Ví dụ: PCR liên quan đến bài viết này bao gồm các sản phẩm điện, điện tử và HVAC-R, đồng thời xác định cách các nhà sản xuất nên thực hiện LCA. PSR xác định các quy tắc cho các sản phẩm cụ thể trong danh mục này, như máy cắt điện, máy điều hòa không khí, UPS, v.v. Các nhà điều hành chương trình cũng quản lý việc đăng ký và xuất bản EPD và cố gắng đảm bảo rằng các nhà sản xuất nhận được công bằng bằng cách không vi phạm các quy tắc khi tạo EPD của họ. Chúng tôi thảo luận về một số cạm bẫy này trong phần “hướng dẫn so sánh sản phẩm một cách chính xác”.
ISO 14040 Bảng A.1 tóm tắt các bước và cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành một chương trình công bố môi trường. Hình 4 minh họa điều này và cho thấy các bên quan tâm đều là một phần của quá trình. Tiêu chuẩn này tuyên bố rằng "các bên quan tâm có thể bao gồm nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất, hiệp hội thương mại, người mua, người dùng, người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ (NGO), cơ quan công quyền và, khi có liên quan, các bên độc lập và tổ chức chứng nhận."
Chúng tôi cung cấp EPD được gọi là thông tin môi trường của sản phẩm (PEP). PEP là thuật ngữ được sử dụng bởi các nhà điều hành chương trình, Hiệp hội P.E.P., cơ quan quản lý chương trình tuyên bố môi trường PEP ecopassport. Nhà điều hành chương trình này hỗ trợ PCR cho các sản phẩm EEE và HVAC. Lưu ý rằng các nhà sản xuất sản phẩm thường phát triển EPD của họ theo quy tắc của nhà điều hành chương trình, nhưng chúng phải được xác minh độc lập bởi chuyên gia nội bộ (xem lưu ý 7 cuối bài) hoặc bên ngoài như được nêu trong tài liệu EPD. Mặc dù EPD giúp bạn dễ dàng định lượng tính bền vững môi trường của các sản phẩm khác nhau, chúng cũng cung cấp thông tin mà các công ty cần để tính đến lượng phát thải Phạm vi 1, 2 và 3 để cho thấy tiến độ của họ so với các mục tiêu môi trường của công ty. Hình 5 cung cấp một ví dụ PEP cho thiết bị ngắt mạch phát hiện hồ quang điện.
Tóm lại, nhãn Loại III, tức là EPD, là công cụ chính để đánh giá định lượng tác động môi trường của sản phẩm. Các tài liệu này đều dựa trên tiêu chuẩn ISO và được xác nhận. Các nhà sản xuất nên cung cấp EPD của họ miễn phí. Nhãn loại I được bên thứ ba xác minh và hữu ích đối với các phép đo hiệu suất cụ thể như hiệu suất sử dụng năng lượng. Cuối cùng, nhãn loại II có thể hữu ích nếu nhà sản xuất cung cấp tài liệu cơ sở chứng minh độ tin cậy của nó.
Cách đọc PEP
-
Đây là sản phẩm mà thông tin về tính bền vững được mô hình hóa và làm cơ sở để bạn có thể so sánh. Mô tả sản phẩm cũng được đính kèm. Quy tắc EPD cho phép sản phẩm mẫu này đại diện cho tất cả các thế hệ máy trong một dòng sản phẩm. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận cách bạn có thể sử dụng dữ liệu của sản phẩm mẫu để ước tính dữ liệu sản phẩm thực tế.
-
Thông tin này khẳng định chức năng của sản phẩm đại diện. Ví dụ: "để giảm điện áp đường dây phân phối từ 75kVA xuống mức điện áp mà khách hàng cuối sử dụng theo các yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng do DOE (Bộ Năng lượng) xác định trong 20 năm." Đôi khi đơn vị chức năng được nêu trên một đơn vị năng lượng, hoặc trên một đơn vị trọng lượng, vv Lưu ý rằng để so sánh hai PEP, đơn vị chức năng và phương pháp đánh giá phải giống nhau. Xem phần "hướng dẫn so sánh sản phẩm chính xác" để biết thêm thông tin.
-
Thông tin này cho biết trọng lượng của sản phẩm mẫu cũng như tỷ lệ phần trăm vật liệu của sản phẩm đó, bao gồm cả bao bì. Tổng trọng lượng được sử dụng để tính tỷ lệ các dữ liệu môi trường cho một mẫu máy khác.
-
Điều này cung cấp thông tin về việc sản xuất, phân phối, lắp đặt, sử dụng và kết đời của sản phẩm mẫu vì nó liên quan đến phân tích vòng đời của sản phẩm. Đây là một số giả định đã được sử dụng trong LCA.
-
Phần này mở đầu với một số giả định LCA khác. Hình 6 trình bày ví dụ về những giả định này trong sơ đồ tác động môi trường của một thanh dẫn điện. Hàng cuối cùng trong bảng đặc biệt quan trọng vì nó truyền đạt hệ số phát thải (xem ghi chú 8 cuối bài) được sử dụng trong LCA. Chúng ta sẽ thảo luận về giả định quan trọng này trong phần tiếp theo.
Tiếp theo bảng này là danh sách “chỉ số tác động” cho sản phẩm tham chiếu, đo lường tác động môi trường của một sản phẩm. Các giá trị này thường được liệt kê trong ký hiệu khoa học (ví dụ: 2,52E+02). Một chỉ số tác động môi trường quan trọng là:
- "Góp phần vào sự nóng lên toàn cầu" hoặc "nóng lên toàn cầu", thường tính bằng đơn vị kg CO2e ("e" là viết tắt của tương đương). Đây là điều mà hầu hết mọi người gọi là “lượng phát khí thải các-bon” của sản phẩm.
Chỉ số này và các chỉ số tác động khác được đưa ra cho từng giai đoạn trong số năm giai đoạn LCA, được định nghĩa trong PCR như sau:
- Sản xuất - "từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đến sản xuất sản phẩm và bao bì rồi phân phối chúng đến nền tảng logistics cuối cùng của nhà sản xuất";
- Phân phối - "vận chuyển từ nền tảng logistics của nhà sản xuất cuối cùng cho đến khi sản phẩm được đưa đến nơi sử dụng”;
- Lắp đặt - "lắp đặt sản phẩm tại nơi sử dụng";
- Sử dụng - "sử dụng sản phẩm và bảo trì cần thiết để đảm bảo khả năng sử dụng";
- Cuối vòng đời – “loại bỏ, tháo dỡ và vận chuyển sản phẩm đến trung tâm xử lý hoặc bãi chôn lấp và xử lý cuối vòng đời”.
-
Phần cuối cùng của PEP được trình bày dưới dạng bảng bao gồm:
- Ngày PEP được ban hành;
- Thời hạn hiệu lực;
- PSR và phiên bản làm căn cứ cho PEP;
- Xác nhận độc lập về bản tuyên bố và dữ liệu; dấu "X" cho biết PEP dựa trên xác minh nội bộ hay bên ngoài.
Hướng dẫn so sánh sản phẩm chính xác
Làm thế nào để đảm bảo so sánh hợp lệ
Mặc dù các tiêu chuẩn ISO cung cấp nền tảng cho các LCA và EPD nhưng không loại bỏ được các lỗi của nhà sản xuất hoặc đảm bảo so sánh hợp lệ. Do đó, người dùng cuối phải thận trọng khi so sánh PEP cho hai hoặc nhiều sản phẩm, đặc biệt nếu chúng đến từ các nhà sản xuất khác nhau. Trong phần này, chúng tôi liệt kê những lỗi phổ biến mà mọi người mắc phải khi so sánh lượng phát thải khí các-bon của hai hoặc nhiều sản phẩm. Lưu ý rằng mặc dù chúng ta tập trung vào các-bon, những sai lầm này có xu hướng áp dụng cho các chỉ số tác động môi trường khác.
-
Dữ liệu PEP không chính xác. Do đó, nếu giá trị của một chỉ số cụ thể chênh nhau trong khoảng 10% thì hai sản phẩm sẽ được coi là tương đương đối với chỉ số đó. Điều này là do biên độ sai số +/- 5% mà các tiêu chuẩn cho phép đối với các giá trị báo cáo của nhà sản xuất. Ví dụ, nếu lượng phát thải khí các-bon của sản phẩm "A" là 100 kg và của sản phẩm "B" là 105 kg, thì hai sản phẩm này nên được coi là tương đương vì phạm vi "+" và "-" của chúng trùng nhau.
-
Tài liệu PEP chứa rất nhiều dữ liệu, trong đó có một số dữ liệu phức tạp. Do đó, các tài liệu PEP nên cung cấp liên kết đến các định nghĩa về các thuật ngữ được sử dụng trong đó. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn khi so sánh các sản phẩm từ các nhà sản xuất khác nhau vì các định nghĩa cung cấp xác nhận rằng bạn đang so sánh cùng một loại dữ liệu.
-
So sánh tổng lượng phát thải khí các-bon không đảm bảo rằng bạn đang so sánh các giá trị tương tự nhau trừ khi mỗi giai đoạn LCA được đánh giá như nhau. Đề mục tiếp theo sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc này.
-
Tất cả các sản phẩm điện đều có tổn thất về điện, tạo ra khí thải các-bon. Tuy nhiên, mức độ phát thải này phụ thuộc nhiều vào hệ số phát thải, đó là tỷ lệ khí nhà kính phát thải trên mỗi kWh điện được tạo ra. Một LCA giả định một hệ số phát thải nhất định để tính toán lượng phát thải các-bon được tạo ra trong giai đoạn "sử dụng" của sản phẩm.
Nếu hệ số phát thải không giống nhau giữa các sản phẩm, thì bạn không thể so sánh chúng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm điện chủ động như máy điều hòa không khí và bộ lưu điện UPS vì lượng phát thải trong giai đoạn sử dụng thường chiếm phần lớn tổng lượng phát thải LCA. Ví dụ: rất có thể PEP của một bộ lưu điện UPS hiệu quả (ví dụ: 95%) hiển thị tổng lượng phát thải cao gấp ba lần so với một bộ lưu điện UPS cực kỳ kém hiệu quả (ví dụ: 80%). Như được trình bày trong Bảng 1, ví dụ này được tính toán với giả định hệ số phát thải tổng thể của 27 quốc gia châu Âu (0,231 kg CO2e/kWh) so với hệ số phát thải của Pháp (0,062 kg CO2e/kWh). Mặc dù điều này có vẻ không công bằng nhưng các nhà điều hành chương trình vẫn cho phép nhà sản xuất sử dụng hệ số phát thải của quốc gia cụ thể cho các mẫu máy được bán ở quốc gia đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những mẫu máy này cũng được bán trên toàn cầu.
Hơn nữa, “mô hình năng lượng được sử dụng” của PEP (hàng cuối cùng trong Hình 6) gây khó khăn cho việc xác định hệ số phát thải vì nó thường được biểu thị dưới dạng mã điện hỗn hợp chẳng hạn như "<1 kV; EU-27". Nếu bạn không thể xác định chắc chắn hệ số phát thải cho tất cả các sản phẩm thì cách hiệu quả nhất để đánh giá lượng phát thải ở giai đoạn sử dụng giữa hai hoặc nhiều sản phẩm là so sánh hiệu suất của chúng ở cùng một tải bằng cách sử dụng công cụ tính hiệu suất. Ví dụ, "Công cụ tính toán so sánh hiệu suất bộ lưu điện UPS một pha" cung cấp một cách hiệu quả và đơn giản để so sánh hiệu suất của hai bộ lưu điện UPS khác nhau. Lưu ý rằng mặc dù phương pháp này không tính đến lượng khí thải bảo trì trong giai đoạn sử dụng nhưng nó có thể bị bỏ qua đối với một số sản phẩm nhất định như UPS vì nó chiếm tỷ lệ phần trăm không đáng kể trong tổng mức sử dụng (<2%).
Cuối cùng, nếu không có sẵn công cụ tính hiệu suất cho sản phẩm bạn đang so sánh, tốt nhất bạn nên yêu cầu nhà sản xuất cung cấp đường cong hiệu suất cho sản phẩm, điều này cho phép bạn so sánh hiệu suất của tất cả các sản phẩm ở cùng một tỷ lệ tải.
Bài học rút ra: Nếu hệ số phát thải không giống nhau giữa các sản phẩm, thì bạn không thể so sánh chúng.
-
Một hồ sơ sử dụng quy định tỷ lệ phần trăm tải và khoảng thời gian mà một sản phẩm đại diện hoạt động trong suốt vòng đời của nó (hàng thứ tư trong Hình 6). Ví dụ: hồ sơ sử dụng có thể chỉ định mức tải 25% trong 20% thời gian sử dụng, tải 50% trong 20%, tải 75% trong 30% và tải 100% trong 30%. Hồ sơ sử dụng được dùng để tính toán lượng phát thải khí các-bon đã thảo luận ở đề mục trước. Nếu hồ sơ sử dụng khác nhau thì không thể so sánh các giá trị. Cuối cùng, hồ sơ sử dụng dựa trên các chế độ vận hành cụ thể (ví dụ: chế độ bình thường, chế độ tiết kiệm) và các chế độ này cũng phải nhất quán khi so sánh sản phẩm.
-
Quy tắc PEP cho phép sản phẩm tham chiếu đại diện cho tất cả các mẫu máy trong một dòng sản phẩm. So sánh trực tiếp các sản phẩm tham chiếu từ hai PEP trở lên có nghĩa là bạn đang so sánh lượng phát thải khí các-bon của các sản phẩm có công suất khác nhau (ví dụ: máy cắt 100A so với máy cắt 600A) - một so sánh không hợp lệ. Đôi khi, giống như trong trường hợp thiết bị điều hòa không khí, PEP cung cấp các chỉ số tác động môi trường theo đơn vị chuẩn hóa (ví dụ: kg CO2e trên mỗi kW làm mát). Nếu các chỉ số không được chuẩn hóa, bạn phải chia tỷ lệ chỉ số môi trường của sản phẩm tham chiếu theo trọng lượng của nó (ví dụ: lượng kg khí thải sản xuất trên mỗi kg trọng lượng sản phẩm tham chiếu). Tương tự, bạn phải chia tỷ lệ dữ liệu sử dụng của sản phẩm tham chiếu theo công suất định mức của sản phẩm đó (ví dụ: sử dụng kg lượng khí thải sử dụng trên mỗi watt công suất sản phẩm tham chiếu). Bảng 2 trình bày một ví dụ về cách tính lượng khí thải sản xuất cho "Mẫu máy B", mẫu máy bạn muốn đánh giá, bằng cách sử dụng "Mẫu máy A", sản phẩm tham chiếu trong PEP.
Bạn phải lặp lại quá trình này cho mỗi chỉ số môi trường mà bạn muốn đánh giá. Những phép ngoại suy này nằm thỏa độ chính xác cho phép của dữ liệu PEP.
-
PEP với các phiên bản PSR và PCR khác nhau có thể tạp ra các biến số làm mất hiệu lực so sánh. Hãy kiểm tra bảng ở trang cuối để xác minh các phiên bản PSR và PCR giống nhau.
Chúng tôi khuyên bạn không nên so sánh EPD từ các tổ chức khác nhau (ví dụ: một EPD từ Hiệp hội P.E.P. và một EPD từ Ecoleaf). Điều này chủ yếu là do PCR làm cơ sở cho việc phân tích vòng đời có thể khác nhau. Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức (xem ghi chú 9 cuối bài) trong những năm qua, đặc biệt là trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, đã dẫn đến nhiều nỗ lực khác nhau nhằm hài hòa PCR. Nhưng cho đến nay, không có tổ chức nào đảm bảo tính nhất quán PCR giữa các tổ chức.
-
PCR phiên bản thứ tư bao gồm một giai đoạn bổ sung được gọi là Mô-đun D, "lợi ích ròng và tải vượt quá ranh giới hệ thống." Giai đoạn tùy chọn này cho phép các nhà sản xuất yêu cầu tín dụng môi trường cho việc "tái sử dụng, phục hồi và/hoặc tái chế". Ví dụ, nếu 100% sản phẩm được tái chế, nhà sản xuất nên tuyên bố giá trị âm tương đương với dấu ấn sản xuất (manufacturing footprint). Điều này chỉ hợp lệ nếu nhà sản xuất có chương trình tái chế tái chế 100% sản phẩm cuối vòng đời để sử dụng làm nguyên liệu thô. Chương trình tái chế cũng phải áp dụng cho địa điểm của bạn. Trước khi chấp nhận tín dụng này một cách mù quáng, hãy yêu cầu nhà sản xuất cung cấp thông tin chi tiết về chương trình tái chế của họ, đặc biệt chú ý đến cách họ đảm bảo rằng 100% sản phẩm được trả lại và không bị đưa vào bãi rác.
-
Đôi khi PEP loại trừ các thành phần mà người ta mong đợi, do đó đặt ra kỳ vọng rằng một nhà sản xuất có dấu ấn (footprint) thấp hơn đáng kể so với nhà sản xuất khác. Ví dụ, một PEP thiết bị bộ lưu điện UPS có thể không bao gồm thông tin pin. Trong hầu hết các trường hợp, PEP cho thiết bị đóng ngắt điện hoặc tủ điện không bao gồm máy cắt. Để ngăn chặn sai sót này, hãy đọc qua toàn bộ PEP và lưu ý những thông tin bị loại trừ.
Các tiêu chí khác để đánh giá
Các tiêu chí sau đây khó đánh giá và so sánh hơn giữa các sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, việc có thông tin này sẽ hỗ trợ người mua trong quyết định mua hàng của họ.